Chủ nhật ngày 11 tháng 03 năm 2018Lượt xem: 16258
Rối loạn giấc ngủ.
Giấc ngủ bình thường là ngủ đúng giờ, có đủ thời gian cho nồng độ chất melatonin trong máu đạt mức cao nhất, và nhiệt độ cơ thể đạt tới mức thấp nhất. Khoảng thời gian tối thiểu đó là 6 giờ.
Giấc ngủ là một trạng thái tự nhiên của con người, lặp lại theo chu kỳ sinh học. Khi trời tối, não người tiết ra một chất gọi là melatonin, làm cho người ta buồn ngủ và ngủ. Khi ngủ, cơ thể con người giảm các hoạt động cơ bắp, thư giãn và giảm tiếp nhận các cảm giác. Tổng thời gian để ngủ bình thường thì rất khác nhau tùy từng người và từng lứa tuổi. Có một nghiên cứu tại Hoa Kỳ, trên 1 triệu người bình thường, cho thấy mỗi tối ngủ khoảng từ 6 tới 7 tiếng đồng hồ là vừa đủ. Nếu người lớn mà mỗi tối đều ngủ trên 8 tiếng đồng hồ, thì thực sự không phải là tốt lắm. Trẻ em mới sinh ngủ trên 18 giờ mỗi ngày, dưới 12 tháng ngủ trên 14 giờ mỗi ngày, dưới 3 tuổi ngủ trên 12 giờ mỗi ngày, dưới 5 tuổi ngủ trên 11 giờ mỗi ngày, dưới 12 tuổi ngủ trên 9 giờ mỗi ngày, thanh thiếu niên ngủ 9-10 giờ mỗi ngày, và như trên đã nêu, người trung niên và người già ngủ 7-8 giờ mỗi ngày. Riêng phụ nữ có thai có thể cần ngủ nhiều hơn bình thường một chút.
Trên một số phương tiện truyền thông, có thông tin về câu khẩu hiệu “hãy ngủ ít hơn và làm việc nhiều hơn” của những người thành đạt tại Hoa Kỳ. Đứng về phương diện y học, khẩu hiệu này không thật đúng. Chúng tôi cho rằng nên có một giấc ngủ đầy đủ hàng ngày. Việc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng tới khả năng làm việc trí óc và tới sức khỏe nói chung. Người ta thống kê rằng mất ngủ kéo dài làm tăng gấp đôi nguy cơ bị chết do bệnh tim mạch. Ngược lại, nếu ngủ quá nhiều kéo dài, thì cũng liên quan tới khả năng chết sớm hơn bình thường. Người ta khuyên một người lớn bình thường nên ngủ đều đặn mỗi ngày 7 tiếng.
Đi sâu hơn nữa trong nghiên cứu giấc ngủ, người ta nhận thấy khi ngủ, mặc dù vẫn nhắm nghiền hai mắt, nhưng bên trong thì nhãn cầu vẫn chuyển động. Người ta thấy có 2 kiểu: kiểu nhãn cầu chuyển động nhanh, và nhãn cầu không chuyển động nhanh. Do vậy giấc ngủ còn được chia ra làm 2 loại là giấc ngủ có vận động nhãn cầu nhanh, và giấc ngủ không có vận động nhãn cầu nhanh. Trong giấc ngủ có vận động nhãn cầu nhanh, thì người ta hay nằm mơ hơn. Trong giai đoạn này, nhịp tim và nhịp thở trở nên không đều, cương dương vật hoặc âm vật, nhưng các cơ bắp lại thư giãn ra. Một giấc ngủ bình thường sẽ bao gồm các giai đoạn luân phiên nhau giữa giai đoạn có vận động nhãn cầu nhanh, và giai đoạn không có vận động nhãn cầu nhanh, thành chu kỳ lặp đi lặp lại. Mỗi chu kỳ ngủ gồm 2 giai đoạn như vậy và ngủ kéo dài khoảng 90-110 phút. Mỗi đêm, một người ngủ bình thường sẽ có khoảng 4-5 chu kỳ.
Có nhiều loại rối loạn giấc ngủ khác nhau:
1. Mất ngủ nguyên phát: khó đi vào giấc ngủ, hoặc khó duy trì giấc ngủ, hoặc cả hai trường hợp, mà không tìm được căn nguyên. Điều trị bằng thuốc an thần, và một số loại thuốc ngủ khác.
2. Chứng nghiến răng khi ngủ: nghiến răng kèn kẹt, hoặc cắn chặt hàm quá mức khi đang ngủ, không chủ ý. Điều trị bằng thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng để tạo giấc ngủ ngon, làm dụng cụ bảo vệ răng.
3. Chứng ngủ rũ (Narcolepsy): buồn ngủ quá mức vào ban ngày, gây nên ngủ rũ không kìm được, trong những thời khoảng rất không thích hợp. Còn gọi là chứng buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Điều trị bằng một số thuốc kích thích thần kinh.
4. Chứng kinh hoàng ban đêm (Night terror hay pavor noctunus): thường ở trẻ em 3-8 tuổi, hiếm khi ở người lớn, xảy ra trong một phần của giấc ngủ không có vận động nhãn cầu nhanh. Trẻ đang ngủ thì đột ngột thức giấc, với những biểu hiện hành vi kiểu đang khiếp sợ, có thể kêu thét, lú lẫn và mất định hướng, không có phản ứng, trẻ thường quên không nhớ về giai đoạn này. Ta hay nói là trẻ bị ác mộng, nhưng có lẽ không thật chính xác, vì có thể có ác mộng mà không đột ngột thức giấc với những hành vi biểu lộ sự khiếp sợ. Điều trị thường không cần dùng thuốc, chủ yếu giải quyết các stress, có tác giả khuyên nên canh giờ để đánh thức trẻ khoảng 15 phút trước khi bị cơn kinh hoàng đó, thức khoảng 4-5 phút rồi cho ngủ lại. Ở trẻ bị nặng, hoặc ở người lớn, có thể điều trị bằng thuốc. Khi đang bị kinh hoàng ban đêm, đừng cố đánh thức, có thể vỗ về nhẹ nhàng.
5. Rối loạn hành vi trong giấc ngủ có vận động nhãn cầu nhanh. Giấc ngủ này vốn là giấc ngủ có nhiều mộng mị. Do vậy, khi bệnh nhân đang ở trong giấc ngủ này, có những giấc mơ đầy kịch tính làm cho bệnh nhân có những động tác bạo lực. Bệnh nhân la hét, đấm đá, nhảy bật khỏi giường. Thường hay xảy ra vào lúc nửa đêm gần sáng, vì đây là giai đoạn hay có giấc ngủ có vận động nhãn cầu nhanh hơn. Bệnh hay xảy ra ở nam giới lớn tuổi và người bị các bệnh thoái hoá thần kinh. Có thể dùng thuốc để điều trị.
6. Bóng đè, ma đè, hay là chứng liệt do ngủ (Sleep paralysis): Ngay trước khi ngủ hay ngay khi thức giấc, bệnh nhân thấy bị liệt toàn thân, tỉnh táo mà không thể cử động được chân tay, giống như mình bị ma quỷ đè vậy. Có thể nghe hoặc nhìn thấy ảo giác ghê sợ. Trừ khi bệnh nặng, nói chung không coi là bệnh lý cần điều trị, chỉ cần giảm bớt stress và tạo giấc ngủ đủ giờ. Có thể dùng thuốc chống trầm cảm.
7. Chứng miên hành hay mộng du: trong khi đang ngủ, không có nhận thức về sự vật xung quanh, nhưng lại thực hiện những hành vi giống như đang hoàn toàn tỉnh táo, kiểu như mặc quần áo, ăn uống. Hay gặp nhất là trẻ đang ngủ bỗng ngồi dậy và đi lại trong phòng, trong khi vẫn đang giấc ngủ. Có thể dùng thuốc để điều trị.
8. Tiểu dầm: tiểu trong khi vẫn đang ngủ. Ở trẻ khoẻ mạnh, tiểu dầm thấy ở khoảng 15-20% trẻ 5 tuổi, 7% trẻ 7 tuổi, 5% trẻ 10 tuổi, 2% trẻ 12-14 tuổi và 1-2% trẻ 15 tuổi. Trẻ nam hay bị hơn nữ và con đầu hay bị hơn con thứ. Điều trị bằng cách cho tập đi tiểu trước khi ngủ, không uống quá nhiều nước trước khi ngủ, và canh giờ để đánh thức dậy trước khi có thể tiểu dầm. Tránh la mắng gây tổn thương tâm lý. Đa phần tiểu dầm sẽ hết theo thời gian, có khoảng 1% vẫn sẽ bị tiểu dầm khi đã là người lớn. Người ta chứng minh tiểu dầm ở người lớn là do tiết thiếu hormone chống lợi niệu trong khi ngủ, và có thể dùng thuốc để điều trị.
9. Chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn: tắc nghẽn đường thở trong khi đang ngủ, làm cho bệnh nhân không thể có giấc ngủ sâu. Thường hay đi kèm với chứng ngáy to. Điều trị chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn bằng dụng cụ tạo áp lực đường thở dương liên tục, hoặc phẫu thuật cắt bỏ những phần mô ở phần phía sau của họng, vốn gây tắc nghẽn khi ngủ.
10. Chứng chân không yên: nhu cầu phải cử động chân (đôi khi cả tay và thân mình), không cưỡng lại được khi đi nằm. Nhiều khi kèm cảm giác khó chịu ở chân, xuất hiện khi nằm nghỉ. Khi cử động thì hết cảm giác khó chịu. Do vậy cứ tối đến đi nằm là nhức mỏi hai chân, phải đấm bóp hoặc gồng cứng chân, hoặc cử động và đi lại. Điều đó làm cho bệnh nhân bị mất ngủ. Có thể dùng thuốc để điều trị
11. Rối loạn cử động chân tay theo chu kỳ: đột ngột có các cử động không chủ ý của tay hoặc chân khi đang ngủ, thường nhất là động tác đá chân. Hay liên quan chứng chân không yên. Có thể dùng thuốc để điều trị.
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.