TỔN THƯƠNG DÂY THẦN KINH - CƠ

Chủ nhật ngày 11 tháng 03 năm 2018Lượt xem: 20910

Tê tay và Hội chứng ống cổ tay.

 

Nguyên nhân hay gặp nhất của tê tay là hội chứng ống cổ tay.

Tê tay là một trong những khó chịu mà một số người, già cũng như trẻ, mắc phải. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân, có thể kể ra một số như: rối loạn canxi máu, co thắt mạch máu ngoại vi, hội chứng ống cổ tay. Nam hay nữ đều có thể bị bệnh, nhưng phụ nữ bị nhiều hơn nam giới.

Tê tay do hội chứng ống cổ tay thường gặp ở người khoảng 35 tuổi trở lên, nhất là ở phụ nữ, người trẻ hơn cũng có thể bị nhưng ít. Bệnh thường thấy ở người lao động dùng nhiều tới động tác lắc của cổ tay, ví dụ như các bà nội trợ, chị em tiểu thương. Ví dụ nhiều chị em buôn bán thịt và cá ở chợ bị triệu chứng bệnh này, có thể do hay dùng dao nặng chặt thịt cá hàng ngày, cũng có phần do thường xuyên tiếp xúc ẩm ướt. Nhiều người lao động các ngành nghề cần sử dụng bàn tay nhiều, cả nam lẫn nữ, đều có thể bị như người sử dụng máy vi tính, chơi thể thao dùng tay nhiều, ...

Hội chứng ống cổ tay còn có thể là biểu hiện của một trong những bệnh sau: các loại viêm đa dây thần kinh, bệnh viêm đa khớp dạng thấp… Ví dụ: trong viêm đa dây thần kinh do tiểu đường, giai đoạn đầu có thể chỉ có hội chứng ống cổ tay. Hội chứng này cũng có thể xuất hiện song song với bệnh thoái hóa cột sống cổ.

Biểu hiện đầu tiên của bệnh là tê tay. Tê ở gan bàn tay, cùng với ngón trỏ và ngón giữa. Thường nhất là người bệnh chỉ thấy tê ngón trỏ và ngón giữa. Nhưng cũng có người cảm thấy tê ở tất cả các ngón tay, ở hai ngón vừa kể thì tê nhiều hơn. Tê tay thường xuất hiện khi cầm tay lái xe máy đi xa, có người đang đi xe máy phải dừng lại buông tay ra và vẩy vẩy mấy cái, rồi mới đi tiếp được. Càng ngày quãng đường đi xe máy không bị tê tay càng ngắn dần lại; Cũng có người đang ngủ, nửa đêm bị thức giấc do tê và đau các ngón tay, dậy đi lại và vẩy tay một lúc, lại hết tê và đi ngủ lại. Bệnh thường khởi đầu ở 1 tay, và thường là ở tay thuận. Ví dụ nếu thuận tay mặt, thì khi bị tê tay do hội chứng ống cổ tay, thường cũng tay mặt bị trước. Về sau có thể tay bên kia cũng bị tê. Sau một thời gian không được chữa trị, dần dần có rối loạn vận động, biểu hiện bằng yếu và teo khối cơ ô mô cái, là khối cơ vốn phồng lên ở gan tay, chỗ dưới của ngón tay cái (người miền nam gọi là trái chanh). Khi quá gấp hoặc quá ưỡn cổ tay, thì các triệu chứng tê tay có thể tăng lên.

Nguyên nhân của bệnh là do dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay. Dây thần kinh giữa là một dây nhận cảm giác ngoài da của ngón trỏ và ngón giữa, và gan bàn tay ở phía dưới 2 ngón tay đó. Đồng thời dây thần kinh giữa còn chỉ huy co cơ của các ngón tay, nhất là tại ô mô cái. Tại cổ tay dây thần kinh giữa đi trong một đường ống, gọi là ống cổ tay, tiếng nước ngoài là carpal tunnel. Ống cổ tay là khoảng không gian giữa các xương của cổ tay ở dưới và ở hai bên, có một tấm gân rộng gọi là cân ngang của cổ tay phủ lên trên như một cái mái. Khoảng không gian trong ống cổ tay khá chật hẹp, khi nó chít hẹp lại, thì dây thần kinh giữa bị chẹt trong đó, và gây ra hội chứng ống cổ tay. Khi khám bệnh, bác sỹ thần kinh dùng búa bằng cao su gõ vào cổ tay, người bệnh thấy tê lan xuống các ngón tay, gọi là dấu hiệu Tinnel.

Hội chứng ống cổ tay là loại bệnh gây tê tay (và teo bàn tay nếu để muộn) hay gặp nhất. Trên thế giới người ta đã đề cập tới từ lâu. Một phương pháp giúp chẩn đoán chính xác hội chứng ống cổ tay là chẩn đoán điện, hay còn gọi là >>> ĐIỆN CƠ.

Nếu đã chẩn đoán rõ ràng là hội chứng ống cổ tay, thì việc điều trị tê tay trở nên dễ dàng. Có hai cách điều trị: nội khoa và phẫu thuật. Cách điều trị nội khoa là bác sỹ sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc bổ dưỡng cho dây thần kinh, và thuốc bổ dưỡng cho hệ thống xương sụn. Nếu bệnh không đỡ, bác sỹ sẽ tiêm thuốc vào trong ống cổ tay. Bệnh có thể khỏi từ vài tháng đến nhiều năm, tùy từng người, càng phát hiện sớm để trị bệnh, thì càng khỏi lâu.

Cách điều trị phẫu thuật thì triệt để hơn, bác sỹ rạch một đường nhỏ ở cổ tay để giải phóng dây thần kinh ra khỏi ống cổ tay. Đây là một phẫu thuật thường làm, thường chỉ cần gây tê tại chỗ, bệnh nhân thậm chí không cần nằm viện. Đa số sau mổ khỏi vĩnh viễn, tuy nhiên có trường hợp có di chứng tê tay nặng hơn.

Vì vậy, khi bị tê tay khi đi xe máy, tê tay về đêm, hãy khám thần kinh, đo điện cơ và tiến hành điều trị sớm bằng nội khoa. Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng (có thể có rủi ro)?


Mời xem thêm:

1. # CA LÂM SÀNG: Vai trò xét nghiệm Điện cơ với Hội chứng ống cổ tay.

bvngoaithankinhqt