Chủ nhật ngày 21 tháng 05 năm 2023Lượt xem: 12274
Tiêm ngoài màng cứng điều trị thoát vị đĩa đệm.
Tiêm ngoài màng cứng là liệu pháp đưa thuốc đến vị trí khoang ngoài màng cứng của tủy sống (màng cứng là lớp màng ngoài cùng, hình ống, bao bọc quanh tủy sống) để tác động lên rễ thần kinh bị chèn ép, từ đó giúp giảm đau và chống viêm.
Tiêm ngoài màng cứng điều trị thoát vị đĩa đệm là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu giúp giảm đau vùng cổ, cánh tay, lưng và chân do các rễ thần kinh bị chèn ép bởi phần nhân nhầy đĩa đệm thoát ra ở vị trí này. Lợi ích phương pháp điều trị này là:
- Giảm đau, chống viêm tạm thời hoặc lâu dài: một mũi tiêm ngoài màng cứng thường mang lại thành công giảm đau cho khoảng 50% bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm. Tác dụng của thuốc tiêm có thể kéo dài từ một tháng đến một năm.
- Hạn chế các cơn đau để cải thiện các hoạt động hàng ngày: khi các cơn đau giảm, triệu chứng viêm được đẩy lùi, bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong các cử động cúi, ngửa hoặc gập mình.
- Hạn chế khả năng phẫu thuật thoát vị đĩa đệm hoặc thực hiện các thủ tục xâm lấn khác: nhờ khả năng giảm đau lâu dài nên việc tiêm ngoài màng cứng thường được chỉ định trong trường hợp người bệnh không muốn phẫu thuật thoát vị đĩa đệm hoặc chống chỉ định với phẫu thuật.
1. Tiêm ngoài màng cứng điều trị thoát vị đĩa đệm khi nào?
Tiêm ngoài màng cứng chỉ được áp dụng cho một số trường hợp nhất định. Dưới đây là các trường hợp được phép và không được phép tiêm ngoài màng cứng:
* Các trường hợp chỉ định tiêm:
- Thoát vị đĩa đệm có biểu hiện chèn ép dây thần kinh.
- Thoát vị đĩa đệm gây hẹp cột sống và tổn thương mô xung quanh.
- Người bệnh bị thoát vị đĩa đệm cần giảm đau nhanh để tập vật lý trị liệu.
* Các trường hợp chống chỉ định tiêm:
- Cột sống bị tổn thương nặng do khối u hoặc ung thư.
- Viêm nhiễm ở vùng tiêm.
- Người bệnh bị rối loạn đông máu.
- Người bệnh đang sử dụng một số loại thuốc như: thuốc chống đông máu, …
2. Tiêm ngoài màng cứng có hại không?
Giống như bất cứ phương pháp điều trị nào khác, việc thăm khám và chẩn đoán trước tiêm rất quan trọng. Người bệnh cần được chẩn đoán chính xác bệnh lý thoát vị đĩa đệm, bao gồm:
- Thăm khám lâm sàng bởi bác sĩ chuyên khoa thần kinh.
- Ghi điện cơ: khảo sát chức năng dây thần kinh bị tổn thương.
- Chụp cộng hưởng từ: khảo sát hình ảnh đặc điểm tổn thương của đĩa đệm.
Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra được quyết định đúng khi tiêm ngoài màng cứng.
3. Tác dụng không mong muốn khi tiêm ngoài màng cứng.
- Biểu hiện bình thường hay gặp: đau tại vùng tiêm, tê bì vùng cột sống thắt lưng và chân, đau đầu nhẹ, …
- Biểu hiện bất thường: sốt, mạch đập nhanh, chân tay lạnh và huyết áp tụt xuống dưới mức bình thường, các cơn đau nhức cục bộ có chiều hướng gia tăng, hai chi dưới bị giảm khả năng vận động, mất ngủ, cảm giác bồn chồn, lo lắng, chảy máu, nhiễm trùng tại vị trí tiêm, tổn thương thần kinh, chấn thương cột sống, … Cần liên hệ bác sĩ đã tiêm để được tư vấn.
4. Quy trình tiêm ngoài màng cứng điều trị thoát vị đĩa đệm.
Việc tiêm ngoài màng cứng sẽ phải diễn ra theo một quy trình nhất định để mang lại hiệu quả trị bệnh cao và hạn chế các rủi ro không mong muốn.
* Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi tiêm:
- Được chẩn đoán chính xác thoát vị đĩa đệm.
- Không ăn uống bất cứ thứ gì trong vòng vài giờ trước khi tiêm.
- Đi vệ sinh trước khi thực hiện tiêm.
- Sau tiêm không nên tự ý lái xe trở về nhà mà hãy liên hệ với người thân đưa về.
* Các bước kỹ thuật tiêm ngoài màng cứng:
Bước 1: Tư thế của người bệnh:
- Nằm nghiêng người ở trạng thái thư giãn.
- Từ từ co chân vào ngực để làm cong cột sống tối đa.
- Xoay lưng ra ngoài để bác sĩ dễ dàng thực hiện các thao tác tiêm.
Bước 2: Vị trí chọc kim tiêm:
- Khoang liên đốt sống L5 – S1.
Bước 3: Tiến hành kỹ thuật tiêm:
- Sát khuẩn: điều dưỡng viên sẽ tiến hành sát khuẩn vị trí cần tiêm.
- Chọn vị trí chọc kim: tại khoang liên đốt sống L5 – S1, bác sĩ sẽ đưa thanh kim qua da và dừng lại khi có cảm giác bị hẫng khi kim xuyên qua dây chằng vàng.
- Kiểm tra: sau khi chọc kim qua dây chằng vàng, các bác sĩ sẽ rút nòng kim tiêm ra. Tiến hành bước kiểm tra xem kim đã chọc đúng vị trí chưa, nếu chưa các bác sĩ sẽ phải thực hiện lại thao tác một các chuẩn xác hơn để điều chỉnh kim về đúng vị trí.
- Bơm thuốc: các bác sĩ tiến hành bơm thuốc vào khoang chứa màng cứng. Các loại thuốc tiêm thường dùng là Depo-medrol 40mg hoặc Hydrocortison acetat 3ml.
- Kết thúc: rút kim tiêm, dùng cồn sát khuẩn và bông băng ép cầm máu tại chỗ.
- Nghỉ ngơi: sau khi tiêm xong người bệnh nên nằm xuống nghỉ ngơi trong khoảng 15 phút để cơ thể ổn định dần về trạng thái ban đầu, đồng thời các bác sĩ cũng dễ dàng theo dõi và xử lý kịp thời các biến chứng sau tiêm.
- Chăm sóc: trong vòng 24h sau tiêm người bệnh không được để nước dính vào vùng tiêm. Sau 24h tiến hành bóc băng gạc. Những ngày đầu (khoảng 10 ngày) hạn chế vận động mạnh, quá sức.
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.