Tôi làm việc trong môi trường bệnh viện công đã lâu. Điều tôi nhận thấy sau nhiều năm làm chuyên môn, đó là nhiều người theo nghề Y ban đầu không phải vì tiền lương, và lý do họ rời khỏi ngành cũng không phải vì đãi ngộ quá thấp.
Lúc còn là sinh viên Y khoa, tôi vẫn nghĩ đây là một nghề cao quý, dù lúc đó bản thân còn chẳng biết thu nhập của bác sĩ là bao nhiêu, có "đủ sống" hay không? Rồi khi vào nghề, đi làm chính thức, tôi mới nhận ra những tháng ngày sinh viên cũng chỉ cực thua đi làm một chút thôi. Sáu năm đại học, trong đó hết bốn năm phải ngủ ở hành lang, ghế xếp, nên khi đi làm chính thức, được leo lên giường trực (giường tầng) để ngả lưng trong đêm trực, với tôi tốt hơn nhiều cái thời đi học.
Nhiều người nghĩ người chọn nghề Y nhưng tôi nghĩ chính nghề Y mới chọn bạn. Vì nghề chọn mình nên nghề cho tôi sức mạnh để đi tiếp, chứ nhiều khi nhìn lại, sức đâu mà làm việc căng thẳng 30 giờ liên tục ở bệnh viện. Nếu hỏi mười người làm nghề này có muốn cho con mình học Y để nối nghiệp không, tôi dám cá có tới chín người sẽ nói "không" và một người còn lại cho con mình tự chọn chứ cũng chẳng định hướng.
Vì sao lại như vậy? Vì vất vả? Vì lương thấp? Tôi nghĩ không hẳn. Làm nghề Y ở nước ngoài hay Việt Nam đều có những khía cạnh sáng - tối như bao nghề khác. Do cách chúng ta nghĩ bao đời nay "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" đã ăn sâu vào tiềm thức và chính những sinh viên mới ra trường đã được các tiền bối dạy cho cách "sống sao cho hợp ý mình" hơn là "hợp lý hay hợp tình", nên vô tình khiến người ta mất dần tình yêu trong sáng với nghề.