Thứ 4 ngày 14 tháng 02 năm 2018Lượt xem: 6922
Đừng để 30 Tết mới mua hoa, khổ nông dân, người bán hoa lắm!
Ngày tết đã đến cận kề. Trong khi người người gác lại mọi lo toan để về sum vầy, đón năm mới bên gia đình, thì những người trồng hoa, bán hoa lại đang chất chồng… lo. Họ sốt ruột với 'canh bạc' của mình, không bán được hoa, có nghĩa không có tết.
Chiều 30 tết năm ngoái, nhiều tiểu thương bán hoa ở Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận) đập bỏ nhiều chậu hoa vì bị người mua "ép giá". Ảnh: Zing
May rủi tựa đánh bạc!
Ông Đỗ Văn Tân có “kinh nghiệm” 6 năm đi buôn hoa dịp tết. Năm chở đào lên tận Vĩnh Phúc bán. Năm lại lấy hoa ly từ Vĩnh Phúc xuôi về Hải Dương. Năm nay, ông đi buôn mai cảnh.
Nhớ lại mấy đợt buôn hoa tết, ông gọn lỏn: “May rủi tựa đánh bạc. Bại nhiều hơn thắng. Bán được còn có tí tiền tiêu tết, còn nếu đọng hàng thì "xong phim". Bao nhiêu lần tự nhủ không buôn nữa, nhưng cứ đến giáp tết lại ngứa nghề”.
Dạo quanh khu vực bán hoa, cây cảnh tại đường Kim Giang (Hà Nội), gốc đào, quất, mai vẫn vẫn còn đầy ứ. Sáng 28 Tết, khách phần lớn tới hỏi han, đi vài vòng ngắm nghía rồi về.
Người đến đây bán hoa, cây cảnh là dân tứ xứ. Người trồng được mang lên Hà Nội bán lấy ít đồng tiêu Tết. Người làm nông cũng tranh thủ những ngày giáp tết đi buôn, kiếm bộ quần áo mới cho con. Nhưng ngặt nỗi, buôn “của hàng hoa” rủi ro quá lớn.
“Mua tại vườn là 350.000 đồng/cây. Rồi tiền công thuê người đánh gốc, thuê xe tải vận chuyển, thuê chỗ ở chợ, tiền ăn uống hằng ngày, mua nước tưới cho cây. Tính ra phải bán 700.000 đồng/cây mới có lãi. Mà buôn 50 cây nếu chỉ bán được 40 cây cũng coi như toi cơm rồi. Vài ngày nay, khách đến xem nhiều mà mua thì ít. Giờ tôi đang run trong bụng đây” – anh Nguyễn Văn Toàn (quê Văn Giang, Hưng Yên) vừa nói vừa đưa ngón tay ra tính toán, đếm quanh gian hàng quất cảnh một lượt, rồi đứng thẫn thờ.
“Nhiều người kỳ lắm, chờ tới lúc sắp tan chợ, tới 12 giờ trưa 30 Tết mới ra mua. Họ biết tâm lý người trồng, người bán chúng tôi lúc đó có lỗ cũng phải bán tháo.
Nhiều lúc nghĩ sao mà khổ thế, cũng là công chăm sóc, bón phân tưới nước cực khổ. Người đi buôn cũng phải thức đêm hôm, ăn trực nằm chờ giữa trời rét mướt để bán hoa. Buồn vì ế hoa, vì không có tết đã đành, nhưng mà thấy ức vì phải bán với giá rẻ mạt” – chị Lan (quê ở Chương Mỹ, Hà Nội) bán cành đào tại đường Kim Giang buồn rầu nói.
Để ai cũng vui như Tết
Vài năm nay, một bộ phận người dân đang có “thú chơi” không đẹp. Ai cũng muốn có được chậu hoa ưng ý để về chưng tết, nhưng lại chờ đến tận ngày 30 mới chịu đi mua, để “ép giá” người bán, người trồng hoa.
Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán 2017, những hình ảnh người dân ở Sài Gòn ùn ùn đổ ra đường để “hôi hoa” vào đêm 30 Tết; còn người nông dân, tiểu thương chấp nhận đập bể chậu, đập nát hoa vì bị trả giá quá rẻ… khiến nhiều người xót xa.
Những giờ qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông điệp kêu gọi: “Đừng đến 30 mới mua hoa chơi tết”. Người trồng hoa quanh năm vất vả, chăm sóc tỉ mỉ, đến khi cuối năm họ chấp nhận đứng giữa trời mưa rét, đêm ngủ co ro trong bạt để mang hoa lên phố, đem không khí tết đến cho mọi nhà.
Năm nay, tết đang đến gần, để ai cũng trọn niềm vui, người bán đừng hét giá “trên trời”, còn người dân hãy đi mua sớm. Để ai cũng được “vui như tết”, chứ không phải “kẻ khóc, người cười”.
baomoi
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.